Theo VEN
Nhóm hợp tác ABWR (gồm Công ty Hitachi - GE Nuclear Energy và Công ty Toshiba) của Nhật Bản vừa tổ chức hội thảo giới thiệu công nghệ lò phản ứng hạt nhân tiên tiến ABWR.
Công nghệ lò phản ứng hạt nhân ABWR
Đây là hội thảo giới thiệu công nghệ đầu tiên trong chuỗi bốn công nghệ gồm: ABWR, MPWR, AP 1000, ATME A1 sẽ được lần lượt giới thiệu tại 4 cuộc hội thảo do Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) phối hợp tổ chức để lựa chọn công nghệ lò phản ứng hạt nhân cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Theo đại diện của ABWR, công nghệ lò phản ứng ABWR là loại lò phản ứng nước nhẹ kiểu nước sôi thuộc thế hệ III+ tiên tiến. Lò đã được cấp phép xây dựng và vận hành ở Nhật Bản, Mỹ và Đài Loan, đáp ứng đầy đủ các quy định và tiêu chuẩn quốc tế.
Đại diện METI cho biết: Chính sách của Nhật Bản về năng lượng hạt nhân sau sự cố Fukushima là tiếp tục triển khai các chương trình điện hạt nhân bằng việc tái khởi động nhà máy điện hạt nhân và xem xét điều chỉnh một số quy định liên quan đến an toàn để đạt tiêu chuẩn an toàn cao nhất trên thế giới. Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ toàn diện cho Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện chương trình điện hạt nhân, cụ thể Nhật Bản đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện nghiên cứu tính khả thi của dự án (FS). Theo tiến độ, tháng 5 này, Công ty Điện hạt nhân Nhật Bản (JAPC) sẽ đưa ra các đánh giá khách quan dưới các góc độ về hiệu quả kinh tế. Dù công nghệ nào được chọn, Nhật Bản vẫn tiếp tục hợp tác cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc thực hiện dự án này, đại diện METI nhấn mạnh.
ABWR cho biết, hiện có 4 lò phản ứng dạng này đang hoạt động, 5 lò đang xây dựng, 14 lò đang có kế hoạch xây dựng để đi vào hoạt động từ đầu năm 2020. Đáng chú ý, với 2 lò phản ứng dạng ABWR đầu tiên đã đi vào vận hành 44 năm đến nay không xảy ra sự cố nào.
Theo thiết kế, lò ABWR sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn vận hành an toàn cao và các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường. ABWR áp dụng công nghệ xây dựng hiện đại nên rút ngắn được thời gian xây dựng nhà máy (37 tháng) trong phạm vi ngân sách có hạn. Đặc biệt, từ sau sự cố Fukushima và theo yêu cầu của các cơ quan quản lý trên thế giới, cũng như của các chủ đầu tư, công nghệ lò ABWR đề xuất lần này sẽ áp dụng thêm các giải pháp đối phó với các biến cố từ bên ngoài, tăng cường hệ thống cấp nước và điện để đảm bảo khả năng làm mát.
Nhóm ABWR cũng đề xuất lộ trình đào tạo nguồn nhân lực vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân dài hạn cho phía Việt Nam. Theo đó, nhóm sẽ tiến hành nhiều chương trình đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân thông qua quá trình xây dựng và vận hành lò ABWR.
Được biết, từ năm 2006, ABWR đã tiến hành đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân cho Việt Nam. Quy trình đào tạo được thực hiện tại các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Điện lực và các cơ quan khác. Tính đến nay đã có khoảng 350 người gồm sinh viên đại học, cao học, học bổng ngành hạt nhân được tuyển dụng làm nhân viên, thực tập hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực này./.
Tại hội thảo, ông Phạm Mạnh Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương cho biết: Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án quan trọng quốc gia, bao gồm 2 nhà máy điện hạt nhân, 6 dự án thành phần và 2 đề án liên quan. Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Công Thương đang chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các nhà thầu tư vấn hoàn tất lập hồ sơ phê duyệt địa điểm cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Theo kế hoạch, cuối tháng 5/2013 sẽ hoàn thành hồ sơ phê duyệt địa điểm và FS cho Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, tháng 12/2013 tư vấn sẽ hoàn thành hồ sơ phê duyệt địa điểm và FS cho Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 để trình Hội đồng thẩm định Nhà nước và trình Thủ tướng xem xét phê duyệt.
Để chuẩn bị cho công tác thẩm định phê duyệt dự án đầu tư và báo cáo phê duyệt chọn địa điểm, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước, giao Bộ Công Thương phối hợp chủ trì thẩm tra công nghệ, nhiên liệu, thẩm định hồ sơ phê duyệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét