Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Khơi thông “điểm nghẽn” công nghiệp hỗ trợ yếu kém

Sự yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ được coi là một “điểm nghẽn” lớn chặn dòng FDI chảy vào Việt Nam.

khoi-thong-diem-nghen-cong-nghiep-ho-tro-yeu-kem

Quyết định 12 vẫn… “trên giấy”

Năm 2011, Quyết định 12/QĐ-TTg , ngày 22/2/2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ về phát triển đã được ban hành. Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay, tác dụng của Quyết định này vẫn chỉ “trên giấy”.

Đặc biệt, các chuyên gia kinh tế nhận định, các hỗ trợ ưu đãi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ gần như không có gì mới so với ưu đãi cho doanh ngiệp nhỏ và vừa. Ngoại trừ Điều 14 quy định: “Chủ đầu tư xây dựng dự án theo các quy định hiện hành, trong đó đề xuất cụ thể các ưu đãi đặc biệt, gửi Hội đồng thẩm định dự án công nghiệp hỗ trợ xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thuộc Danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên đã được phê duyệt trong Quyết định 1483”. Chính vì thế, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực cong nghiệp hỗ trợ vẫn rất… “èo uột”.

Cộng với nhiều bất cập trong thu hút đầu tư

Điều đáng nói là vấn đề thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp trong nhiều năm qua hầu như chỉ tập trung vào các tập đoàn lớn, tạo nhiều việc làm, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn. Đa số các tập đoàn lớn trong các ngành chế tạo là các doanh nghiệp lắp ráp, không tạo ra giá trị gia tăng rất ít trong sản phẩm, không có tác động lan tỏa cho doanh nghiệp nội địa. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ thường có quy mô nhỏ và vừa, có nhu cầu thuê diện tích sản xuất nhỏ lại gần như chưa được quan tâm khi thu hút đầu tư nước ngoài, cả ở tầm chính phủ trung ương lẫn địa phương.

Các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ được Chính phủ Việt Nam ưu đãi và khuyến khích đầu tư vào Việt Nam thời gian qua, như Intel, Foxconn… hầu hết là sản xuất linh phụ kiện phục vụ 100% cho xuất khẩu. Nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào của các dự án này hầu hết cũng 100% nhập khẩu.

Chính sự yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ trong ngành sản xuất ô tô là trở lực cực lớn để phát triển ngành công nghiệp non trẻ này. Hiện Việt Nam có tới 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô nhưng chỉ có trên 60 doanh nghiệp cung cấp linh kiện, là quá thấp so với 385 doanh nghiệp ở Malaysia và 2.500 doanh nghiệp ở Thái Lan. Tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô ở Việt Nam chỉ đạt 5-10%.

Các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ xuất khẩu nguyên vật liệu, linh kiện đầu vào ít có động cơ nội địa hóa, thường lựa chọn đầu tư vào Việt Nam để tận dụng thị trường lao động rẻ, các ưu đãi của Chính phủ về giá thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Vì thế, mặc dù đây là các dự án có vốn đầu tư rất lớn, tạo nhiều việc làm, nhưng giá trị gia tăng của sản phẩm gần như không có, không giảm nhập siêu, không tạo ra các tác động lan tỏa sang các doanh nghiệp nội địa. Đây là các bất cập rất lớn trong các dự án thu hút đầu tư FDI vào công nghiệp hỗ trợ hiện nay.

Khắc phục cách nào?

Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, Quyết định 12 được coi là lời tuyên bố chính thức đầu tiên của Chính phủ Việt Nam sự ủng hộ dành cho công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, Quyết định này được đánh giá là chưa đủ mạnh để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Điều mà nhiều người mong đợi là một văn bản pháp luật mang tính pháp lý cao hơn, với nhiều giải pháp thực tế hơn, thì đến nay chưa có.

Bởi vậy, ông Hoàng đề xuất, trong vòng quý II năm nay phải có văn bản thay thế Nghị định 12 thì mới có thể đón được dòng FDI vào công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là từ các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, muốn thu hút những nhà lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao, nhất thiết cần phải có những doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất chi tiết, linh kiện ở trình độ công nghệ cao. Do vậy, Việt Nam phải thúc đẩy đổi mới công nghệ với phương án hợp lý, khai thác năng lực nghiên cứu tư vấn - thiết kế hiện có, hoàn thiện môi trường pháp lý cho công tác nghiên cứu, tạo dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật có trình độ cao, khuyến khích áp dụng mô hình đào tạo liên kết 3 nhà (Doanh nghiệp - Viện, trường- Nhà nước), để đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, kinh nghiệm từ Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia cho thấy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ cần một mặt liên kết chặt chẽ với nhau, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau, mặt khác cùng nhau đề đạt với chính phủ những yêu cầu về hỗ trợ về mặt chính sách tạo điều kiện cải thiện môi trường hoạt động kinh doanh thực tế.

Chính sách hỗ trợ cần được xây dựng xuất phát từ doanh nghiệp, do doanh nghiệp đề đạt nên mới hiệu quả, chứ không phải là do các chuyên gia lập chính sách “vẽ” theo trí tưởng tượng, cũng không phải là “miếng bánh” để phân phát, mà là quá trình nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn, kích thích nỗ lực sáng tạo, giúp các doanh nghiệp phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của mình.

(theo: TTXVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét